minus plus
CHƯƠNG TRÌNH TẬP HUẤN TẠI HUYỆN ĐÔNG GIANG, TÂY GIANG CỦA ĐOÀN GIẢNG VIÊN ĐẠI HỌC DUY TÂN

Thứ Sáu, 5/4/2024

Vừa qua, đoàn Giảng viên và cán bộ nhân viên Đại học Duy Tân đã có cơ hội được tham quan tập huấn cùng cộng đồng người Cơ Tu tại thôn Tà Vang, Xã A Tiêng, Huyện Tây Giang và xã Sông Kôn, Huyện Đông Giang, Tỉnh Quảng Nam cùng với Tổ chức Cứu trợ/Phát triển quốc tế FIDR. Đây là một trong những dự án do Tổ chức Cứu trợ phát triển quốc tế (FIDR) thực hiện góp phần đưa Tây Giang và Đông Giang trở thành một trong những điểm đến hấp dẫn trong tương lai. 
 

TRẢI NGHIỆM ẨM THỰC ĐỊA PHƯƠNG VÀ VĂN HOÁ TRUYỀN THỐNG CỦA NGƯỜI CƠ TU

Chuyến đi 2 ngày 1 đêm cũng chính là cơ hội để các giảng viên và cán bộ nhân viên được chiêm ngưỡng những nét đẹp văn hoá và trải nghiệm ẩm thực của người Cơ Tu. Với hình thức tự cung tự cấp, tận dụng địa hình và khí hậu phù hợp, người dân ở đây tự trồng trọt và chăn nuôi để tạo ra thực phẩm hàng ngày, hơn hết còn trao đổi với nhau để tạo sự gắn kết trong cộng đồng. Các món ăn phổ biến của người Cơ Tu thường sử dụng để chiêu đãi thực khách khi đến như: Cơm lam gạo nếp nương nấu cùng với sắn, gà kho, thịt lợn thả rông, rau dớn, lá sắn,...

 

 

Ngoài thưởng thức ẩm thực, các giảng viên còn được tham quan nhà Gươl và chiêm ngưỡng điệu múa “Tung tung da dá” truyền thống của dân tộc Cơ Tu. 

Trong kiến trúc truyền thống, nhà Gươl của dân tộc Cơ Tu là nhà sàn được chống bởi cây cột cái ở giữa và 8 cây cột con ở xung quanh. Mái nhà được lợp bằng lá nón hoặc lá mây, và có hình dáng như trái xoài. Người Cơ Tu chạm khắc trên những kết cấu gỗ của nhà Gươl những tác phẩm điêu khắc về những con vật (hổ, cá sấu, chim, các loài bò sát…) hay những cảnh lao động hoặc hoạt động văn hóa của họ.

 

 

Với người Cơ Tu, nhà Gươl là loại hình kiến trúc độc đáo có vai trò quan trọng trong cuộc sống của bà con, họ xem nhà Gươl là chốn linh thiêng, nơi cư ngụ của thần linh, ông bà, tổ tiên. Nhà Gươl cũng góp phần vào việc khôi phục những giá trị văn hóa truyền thống và giúp cho các thế hệ Cơ Tu mai sau hiểu biết và kế thừa những giá trị văn hóa vật chất tinh thần của dân tộc mình.

 

 

Về điệu múa “Tung tung da dá” trong tiếng Cơ Tu có nghĩa là “Vũ điệu dâng trời”. Đây là điệu múa được thực hiện hầu hết trong những lễ hội của người Cơ Tu, trong đó “Tung tung” là điệu múa với những động tác mạnh mẽ, hùng tráng của những người đàn ông còn “Da dá” là điệu múa mềm mại của phái nữ với động tác đặc trưng hai tay đưa lên ngang vai, cẳng tay gập vuông góc và hai bàn tay ngửa lên cao mang ý nghĩa tạ ơn thần linh đã cho họ một vụ mùa màng bội thu, mưa thuận gió hoà. 

 

CÁC HOẠT ĐỘNG TRẢI NGHIỆM CÙNG CỘNG ĐỒNG NGƯỜI CƠ TU

Đến với cộng đồng người Cơ Tu ngoài có cơ hội được chiêm ngưỡng cảnh đẹp tự nhiên núi rừng, các giảng viên Đại học Duy Tân còn có cơ hội trải nghiệm các hoạt động cùng đồng bào dân tộc Cơ Tu như: Cạo mủ cao su, bổ củi, dệt thổ cẩm, làm bánh sừng trâu, trồng bắp, đậu, nhổ sắn và thăm rừng bòn bon,...


 

Với vị trí địa hình sườn núi nên công việc chính của người Cơ Tu tại đây đa phần là làm nông và đi rẫy. Phụ nữ chủ yếu sẽ đảm nhận các công việc trồng trọt chăn nuôi và chăm lo cho con cái, còn đàn ông sẽ đi làm thuê hoặc buôn bán ở các khu vực trung tâm. Ngoài ra, hầu hết phụ nữ tại đây đều biết dệt thổ cẩm ngay khi từ còn nhỏ, những miếng vải thổ cẩm được dệt sẽ sử dụng may thành áo, váy hoặc khăn quấn người.

 

 

Các cây cao su được trồng trên sườn đồi tại huyện Tây Giang hiện nay cũng là một trong những công cụ lao động của người Cơ Tu tại đây. Mủ cao su sẽ được cạo từ các cây có tuổi đời trên 10 năm tuổi và với chu kỳ cạo mủ 1 ngày 1 lần, sau 3 lần sẽ được thu hoạch và bán cho các nhà thu mua. 

 

 

Các hoạt động trồng trọt cây và gieo hạt giống đa phần sẽ phụ thuộc vào lượng mưa nên người dân thường sẽ chọn trồng cây vào những thời điểm gần vào mùa mưa lớn và có hai mùa thu hoạch chính là thu đông và mùa hè. 

 

 

Sản phẩm thu hoạch được của cộng đồng người Cơ Tu tại Tây Giang sau những vụ mùa sẽ được dùng làm thực phẩm chính trong gia đình và trao đổi với nhau trong cộng đồng, còn tại Đông Giang thì ngoài việc sử dụng để làm lương thực chính thì người Cơ Tu tại đây cũng dùng thực phẩm thu hoạch được để mang đi bán tuy nhiên phạm vi buôn bán của họ cũng là người địa phương và chưa tiếp cận được nhiều những khu vực khác và nhất là khu vực thành thị, nơi mà hiện nay các dòng sản phẩm organic được đề cao hàng đầu. 

 

NHỮNG KỸ NĂNG DU LỊCH CỦA NGƯỜI CƠ TU TẠI HUYỆN TÂY GIANG VÀ ĐÔNG GIANG

Người Cơ Tu sử dụng ngôn ngữ chính là tiếng Cơ Tu và tiếng phổ thông (Kinh), tuy nhiên số người có thể giao tiếp tốt tiếng phổ thông chỉ tập trung ở độ tuổi trung niên trở về sau này. Về khả năng giao tiếp ngoại ngữ, đa phần người Cơ Tu vẫn chưa được biết đến nhiều vì vậy họ vẫn gặp khó khăn trong vấn đề giao tiếp khi có du khách nước ngoài ghé thăm cộng đồng. 

 

 

Ngoài ra, một số ít người Cơ Tu tại đây cũng đã được tiếp cận với các nghiệp vụ du lịch như:

  • Nghiệp vụ lễ tân
  • Kỹ năng giao tiếp 
  • Kỹ năng giới thiệu/thuyết trình sản phẩm
  • Kỹ năng bán hàng,... 
  • Tuy nhiên những kỹ năng vẫn còn dừng lại ở mức cơ bản và chỉ một số ít người được đào tạo các kỹ năng.

 

TỔNG KẾT

Đi cùng với sự tân tiến của những công nghệ hiện đại, ngày nay xu hướng “bỏ phố về rừng” cũng đang làm thay đổi tư duy của người du lịch khi họ cũng cân nhắc những địa điểm còn mới mẻ và chưa bị thương mại hoá nhiều làm một trong những điểm đến để khám phá. Vì vậy, trong tương lai chắc chắn Tây Giang và Đông Giang nói chung cũng như cộng đồng người Cơ Tu tại đây nói riêng chắc chắn sẽ trở thành một trong những địa điểm lý tưởng để phát triển du lịch. 

Qua chuyến đi này, đoàn giảng viên và cán bộ nhân viên Đại học Duy Tân cũng đã có những trải nghiệm quý giá và vô cùng thú vị khi có cơ hội trở thành một trong những du khách đặt chân đến nơi đây và trải nghiệm cách làm du lịch của người địa phương. 

A - Z Sitemap
Đào tạo ra những nhân tài trong ngành Khách sạn và Du lịch với hệ thống giáo dục và nghiên cứu đẳng cấp thế giới cho thời đại Công nghiệp 4.0, đồng thời phát triển mô hình quan hệ giữa nhà trường và doanh nghiệp, thúc đẩy khả năng giải quyết vấn đề và cung cấp dịch vụ xã hội thông qua phương pháp vừa học vừa làm.
Lên đầu trang Facebook Tiktok Google + Youtube Hình ảnh Phản hồi